Bài 16: Chánh định

10/06/2022 2.583 lượt xem

Chánh định

Sau chánh tinh tấn, chúng ta nói tới chánh định. Năng lượng chánh định đã có mặt sẵn trong chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh nghiệp và chánh ngữ. Chúng ta biết rằng chánh kiến là hoa trái của chánh định, vì nếu không có định thì sẽ không có tuệ. Tuệ ở đây không phải một chuyện xa vời. Trong khi ăn cơm chẳng hạn, chúng ta cũng có thể có định và có tuệ Một trăm người ngồi trong thiền đường cùng ăn cơm với nhau. Có người ăn cơm với định và có người không. Tất cả đều ngồi đó, nhưng có thể có người đang ngồi như một cái xác không hồn, họ không thật sự có mặt trong bữa cơm. Họ vắng mặt, vì những tâm hành trong họ đang kéo họ về nẻo khác. Chúng kéo ta về quá khứ, tới tương lai, kéo sang châu Mỹ, kéo sang châu Úc…

Lúc mở đầu bữa ăn, nghe tiếng chuông ta trở về với hơi thở. Ngồi trên tọa cụ nếu ta biết rằng ta đang ngồi với đại chúng, thì lập tức ta có chánh niệm và chánh định liền. Nghe người bạn tu đọc lời quán nguyện đầu của năm quán: thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác, nếu chánh niệm và chánh định của ta vững thì ta có thể có liền chánh kiến nghĩa là có tuệ giác. “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác.” Ta thấy rõ tính tương quan, tương duyên giữa mình với tăng thân, mình và thế giới. Ta thấy ta sống bằng thức ăn, mà thức ăn ấy là do mặt đất, bầu trời, do công phu lao tác của nhiều người. Tự nhiên những tình cảm thân thiết, biết ơn, hân hoan khởi lên. Đó là tuệ giác phát sinh từ niệm và định. Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này. Muốn xứng đáng ta chỉ cần ăn thức ăn này trong chánh niệm. Ăn trong thất niệm, nghĩa là trong quên lãng, là vô ơn với đất trời, với công phu lao tác. Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu trước hết là tật tham ăn. Bụt dạy nhiều lần về tính chừng mực khi ăn uống. Tham là một trong những tâm sở bất thiện, cùng với, sân, si, mạn, nghi và kiến. Trong khi ta ăn cơm, ta dặn lòng đừng để những tâm niệm lầm lỗi đó trấn ngự, thì ta đã xứng đáng để được ăn bát cơm này. Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh. Trong khi quán niệm về điều thứ tư này, ta biết Bụt dạy ta cẩn thận về ăn uống và tiêu thụ. Ngài dạy về bốn loại thức ăn. Có những thức ăn đem lại độc tố, đem lại sinh, tử, luân hồi. Và có những thức ăn mang lại khỏe mạnh, niềm vui và giải thoát.

Năm điều quán nguyện (ngũ quán) đọc trước khi ăn có mục đích giúp ta an trú trong chánh niệm, chánh định và chánh kiến. Vì muốn thành tựu đạo nghiệp nên thọ nhận thức ăn này. Đó là hạnh của người tu. Khi ăn một miếng cơm của đàn việt, của tín thí, của đất trời, ta biết rằng với thức ăn đó ta có thể làm nên tuệ giác, an lạc và hạnh phúc. Như thế mới xứng đáng. Có người hỏi: “Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này, vậy phải làm thế nào để thực sự xứng đáng?” Tôi nói: “Chỉ cần ăn trong chánh niệm thôi là đã xứng đáng rồi.” Vì chánh niệm đưa tới chánh định, tức là hoa trái của sự tu học. Chỉ một điều đó thôi, nếu ta không làm được thì còn làm được điều gì? Có chánh niệm tức là có định. Chúng ta đã biết rằng chánh niệm trước hết là có mặt thực sự trong giờ phút hiện tại. Trong tác phẩm Lục Súc Tranh Công có câu: “ngẩn ngơ như ốc mượn hồn”, tả tình trạng đang ở đây và trong giờ phút này mà không thực sự có mặt. Chánh Niệm trước hết là năng lượng làm cho ta có mặt lúc này và ở đây. Và khi có niệm rồi thì ta có định: Ta biết mình đang ở đâu, đang làm gì và ta sống được sâu sắc giờ phút đó.
Có hai trường hợp về Định. Thứ nhất là khi ta có mặt bây giờ và ở đây, tiếp xử với giờ phút hiện tại một cách sáng suốt, duy trì được chánh niệm thì gọi là định. Ta không cần phải ngồi trong tư thế kiết già mới có định. Đi, đứng, nằm, ngồi, lau chùi, dọn dẹp, tiếp xử với

người khác trong chánh niệm thì đã là định. Trường hợp thứ hai là Định mà ta cố tâm duy trì trên một đối tượng duy nhất thôi. Đi thiền hành, ta có thể hoàn toàn tập trung vào sự tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất, tập trung vào đối tượng trái đất, thở vào là để tiếp xúc với trái đất, thở ra cũng là để tiếp xúc với trái đất. Định có thể được thực tập trong tư thế kiết già, tâm chỉ chuyên chú về một đối tượng trong một thời gian khá dài. Có niệm có định và có tuệ, càng ngày ta càng sống thảnh thơi, an lạc, không vướng mắc.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×