Bài 16: Chánh định

10/06/2022 2.667 lượt xem

Thảnh thơi

Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh.
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh.
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện Sự khứ nhi tâm tùy không.

Dịch:

Gió qua lay trúc
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh
Nhạn lướt mặt hồ
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh
Người quân tử cũng vậy
Việc xảy ra tâm mới tiếp xử
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi.

Cơn gió tới thổi qua lay chuyển khóm trúc, gió đi mà trúc không giữ lại âm thanh. Khi gió xào xạc âm thanh thì trúc tiếp sử với âm thanh. Nhưng khi gió đi rồi thì trúc không cần tiếc nuối âm thanh kia nữa. Con chim nhạn bay ngang qua hồ lạnh mùa thu, nhạn qua rồi thì hồ không cần lưu luyến hình ảnh của chim nữa. Tiếp theo hai hình ảnh trên, thi sĩ kết luận: cho nên người quân tử, tức là hành giả, khi sự việc tới thì tâm đón nhận, không chờ đợi, không mong muốn trước; sự việc đi thì tâm lại rảnh rang, trống không. Sự lai nhi tâm thỉ hiện, tức là chỉ khi sự việc đến thì mới để tâm nhìn nhận, với tất cả tâm ý. Sự khứ nhi tâm tùy không, tức là sự việc đi qua rồi thì cái tâm ta theo đó mà trở thành vắng không. Bài thơ thật hay. Hồi còn làm chú tiểu, tôi đã được đọc bài thơ này treo trên vách thiền viện, nét chữ của thầy Hoằng Thơ. Sống đời sống hàng ngày, ta tiếp xử sâu sắc với những gì đang xảy ra với chánh niệm. Nhưng khi những chuyện đó qua đi thì ta không lưu luyến, không bị ràng buộc nữa, dầu đó là một cái gì ngọt ngào, dầu đó là nỗi ngặm ngùi hay cay đắng.

Người tu hay người đời cũng đều cần phải có định. Sống ở ngoài đời cần có định, sống ở trong tự viện phải thực tập định nhiều hơn. Người lái xe phải có định. Mạng sống của bao nhiêu người tùy thuộc vào niệm và định của anh ta. Cho nên muốn tu hay anh không tu, anh cũng phải có niệm và có định.

Niệm và Định làm cho đời sống sâu sắc hơn và đẹp đẽ hơn. Các bà mẹ thường khuyên con gái: “Con là con gái thì làm cái gì cũng phải có ý có tứ.” (Làm như con trai không cần phải có ý có tứ!) Khi người con gái đi, đứng, nói và cười có ý có tứ thì tự nhiên người con gái đó đẹp lên bội phần. Cái đẹp đó không phải là do phấn son, áo quần lượt là bên ngoài; cái đẹp đó ở trong tư cách, là do chánh niệm. Đi, đứng, nói, cười trong chánh niệm là một món trang sức từ bên trong đi ra. Con trai cũng vậy. Con trai mà đi, đứng, nói, cười trong chánh niệm thì cũng chắc chắn đẹp hơn. Bà mẹ Việt Nam tuy không nói ngôn từ Phật học nhưng bà cũng biết chánh niệm là một mỹ phẩm đích thực của con người. Con bà không có chánh niệm, không có ý tứ thì nó sẽ đi đứng hấp tấp, ăn nói bộp chộp, vô duyên. Không ý tứ thì không phải là một thiếu nữ đằm thắm, đoan trang, có thể mang hạnh phúc cho người xung quanh.

Niệm và định càng cao thì nếp sống của ta càng có phẩm chất. Khi làm một bài toán khó, anh cần phải có định và có niệm. Anh phải chú tâm vào mới làm toán được. Vừa làm toán vừa nghe phát thanh vừa xem truyền hình thì anh không thể có định, anh không thể giải đề toán khó được. Cho nên ngay một cậu học sinh cũng cần phải có niệm và có định. Nhưng định cũng có lúc chỉ nhắm tới việc làm quên lãng khổ đau, để ta trốn tránh những vấn đề thật của mình. Đó là tà định.

Trong khi ngồi thiền, cái định của ta làm nên phẩm chất của thiền, nếu không thì chỉ “ngồi đó như hòn bi,” cứng ngắc.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×