Bài 16: Chánh định

10/06/2022 2.669 lượt xem

Diệt tận định

Để hiểu trạng thái diệt tận định (còn gọi là diệt thọ tưởng định), cần hiểu chữ diệt theo nội dung diệt đế của Tứ Diệu Đế, như đã giải thích trong những bài đầu. Để thấy Diệt tận định khác Vô tưởng định như thế nào, ta cần đi sâu hơn vào phía tàng thức, theo phân tích của Duy Biểu học.

Trong Duy Biểu học, trước gọi là Duy Thức học, sau các thức Nhãn, Nhơi, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, còn có thức Mạt Na (manas) thường được gọi là thức thứ bảy và thức thứ tám, là Tàng thức (alaya). Khi một người đi vào định vô tưởng tuy rằng thức thứ sáu đã ngưng làm việc, nhưng các thức thứ bảy và thứ tám vẫn hoạt động. Những vô minh và nội kết vẫn còn nguyên trong tàng thức và biểu hiện trong Mạt Na bằng sự phân biệt mình và người. Thức Mạt Na là một năng lượng phân biệt dai dẳng và âm thầm: đây là ta, đây không phải là ta. Vào định Vô tưởng hay vào cõi trời vô tưởng thì cũng chỉ hưu chiến được một thời gian thôi. Khi ra khỏi vô tưởng định và vô tưởng thiên thì tất cả nguồn gốc của khổ đau, từ trong thức thứ tám cũng sẽ hiện hành trở lại. Chỉ có các vị a la hán đã vượt ra khỏi định thứ tám và đi vào định thứ chín mới chuyển hóa được mạt na thức và gột sạch được những nội kết ở trong tàng thức.

Những nội kết trong tàng thức rất nhiều, nhưng nội kết lớn nhất là vô minh. Vô minh tức là sự si mê, không biết được tự tánh chân thật về sự vật. Sự vật là vô thường mà nghĩ là thường, sự vật vô ngã mà nghĩ là hữu ngã. Trên cái vô minh căn bản đó sinh ra những nội kết tham, sân, si, mạn, nghi, kiến v.v.. Người tu học phải tinh chuyên, quán chiếu để chuyển hóa khối vô minh. Những hạt giống chấp ngã, chấp pháp, những hạt giống tham, giận và si mê phải được chuyển hóa. Sau khi chúng được chuyển hóa rồi thì tàng thức được tự do, những khối vô minh tan biến. Lúc đó thức mạt na không còn tác dụng nữa, trở thành một loại trí tuệ gọi là bình đẳng tánh trí. Bình đẳng tánh trí là thấy được tính cách tương tức tương nhập của mọi sự mọi vật, thấy cái ta với cái không ta là một. Khi đó tàng thức (alaya) trở thành đại viên cảnh trí, một tác dụng trí tuệ chiếu rọi như một tấm gương tròn sáng lớn, phản chiếu được sự thật. Thức thứ sáu trở thành một tác dụng gọi là diệu quan sát trí, tức là trí tuệ có thể quan sát được một cách mầu nhiệm tất cả những hiện tượng mà không còn bị kẹt vào vô minh nữa. Năm thức đầu (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) trở nên thành sở tác trí. Có bốn loại trí tuệ. Đại viên cảnh trí làm bối cảnh soi sáng, bình đẳng tánh trí chiếu rọi tính tương tức của các pháp, Diệu quan sát trí phân biệt và quyết trạch các pháp mà không kẹt vào kỳ thị và cố chấp. Thành sở tác trí vận dụng sắc, thanh, hương, vị, xúc mà không bị nô lệ cho năm trần. Vọng tưởng và vọng thức nhờ tu tập được chuyển hóa thành tứ trí. Trong trạng thái diệt tận định, tuy gọi là diệt thọ tưởng nhưng với tứ trí làm căn bản tất cả các thức vẫn còn, vẫn có tưởng, vẫn có thọ, nhưng không là thọ và tưởng do vô minh tác thành nữa. Diệt hiểu theo nghĩa diệt của Tứ Diệu Đế.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×