Bài 11: Chánh niệm là tự làm chủ

30/12/2021 2.834 lượt xem

Chánh niệm là trở về

Trong chánh niệm có hành động trở về, có hành động làm quen trở lại, có niềm thương yêu, chú ý và chăm sóc. Chánh niệm có rất nhiều tính trị liệu. Chánh niệm là trở về. Ngày sư chú Pháp Dụng xin xuất gia, sư chú đã đi vào phòng tôi. Quỳ xuống, ôm lấy chân tôi, sư chú nói: “Bạch thầy, con đã trở về”. Tu là trở về, trở về với mình, với gốc rễ của mình, với cha ông của mình, với gia đình tâm linh của mình trong đó có thầy, có tổ. Mình là đứa con đã đi lang thang bao nhiêu năm tháng, và tu có nghĩa là quyết định trở về. Điều này cũng đúng với sư chú Pháp Ứng, cũng đúng với sư cô Thoại Nghiêm, với tất cả những người xuất gia. Biết rằng trong chuyến đi hoang mình có thể chỉ làm tan vỡ thêm. Sự nát tan đó có thể xảy ra trong cơ thể, trong tâm hồn mình, mà cũng xảy ra ở trong gia đình, trong xã hội mình. Tu là trở về hòa giải với chính thân và tâm mình. Mà trong thân tâm mình, đã sẵn có ông bà cha mẹ và thầy tổ. “Bạch thầy, con đã trở về, con xin xuống tóc để thọ mười giới”, đó mới chỉ là khởi sự trở về thôi. Việc trở về phải tiếp diễn trong từng giây, từng phút. Bước đi một bước, ngồi xuống, uống một chén trà, tất cả những lúc ấy đều là những lúc phải thực tập trở về. Nếu không có năng lượng của chánh niệm thì việc trở về ấy không thể thực hiện được. Bạch thầy, con đã trở về, có nghĩa như vậy. Đó là một lời nguyện, đó là một giây phút giác ngộ, mà cũng là công việc thực tập thường xuyên không ngưng nghỉ.

Có nhiều người chán ghét thân thể mình, họ cảm thấy thân thể là một chướng ngại vật, họ giận hờn thân thể họ. Họ nói thân thể là một cái bình chứa đựng tội lỗi, là một nơi tích tụ khổ đau. Họ muốn đày đọa, dày vò, đánh đập thân thể họ. Đó chỉ là biểu hiện của sự đi hoang mà thôi. Đã đi hoang rồi, thì không còn nhận ra căn nhà của mình nữa, không nhận ra được ngôi chùa của mình nữa. Cho nên, đứng về mặt tình cảm và tâm linh mà nói, ý định muốn hủy hoại thân thể đã bắt nguồn từ chuyện bỏ nhà ra đi. Khi trở về tiếp xúc với thân thể, mỉm cười với từng bộ phận của thân thể, đó là bắt đầu trở về để hòa giải và tha thứ.

Bụt dạy: Ví dụ có một người nông dân leo lên trên gác nhà, khiêng xuống một bao hạt giống. Người nông dân đặt bao hạt giống trên sàn nhà, mở một đầu bao ra và cầm ngược đầu kia trút hết hạt giống xuống. Người nông dân nói: đây là hạt bắp, đây là hạt đậu, đây là hạt vừng, đây là hạt này, đây là hạt kia. Người nông dân nhận ra hạt bắp là hạt bắp, nhận ra hạt đậu là hạt đậu, nhận ra hạt mè là hạt mè. Chúng ta cũng vậy, trong khi trở về tiếp xúc với thân thể, chúng ta nhận ra đây là tóc của tôi, đây là hai mắt của tôi, đây là phổi tôi, đây là tim tôi. Đó là sự nhận diện đơn thuần. Đây là thân thể của tôi, ta chỉ nhận diện như vậy. Trong ví dụ đó, ta thấy được lòng từ bi của Bụt. Ta chỉ cần trở về để nhận diện thân thể ta, và nhận diện cho thật kỹ từng bộ phận của thân thể đó. Chúng ta lâu nay đã lãng quên chính thân thể chúng ta. Chúng ta lâu nay đã bỏ nhà đi hoang và bây giờ cần phải trở về. Nếu không trở về được với thân thể thì làm sao trở về được với cảm thọ, với tâm tư? Cho nên trở về thân thể là quan trọng. Có thể là trong những giờ thiền tập, mình nằm xuống trong tư thế buông thư, dùng ánh sáng của chánh niệm chiếu vào từng phần thân thể, để thấy rõ, tiếp xúc và mỉm cười với nó. Đó là một phương pháp thực tập rất hay.

Tiếp đến là sự dùng chánh niệm chiếu sáng vào những cử động và những tư thế. Khi đi thì biết là đang đi. Có một chứng bịnh gọi là thụy du (sleep walking). Ban đêm tự nhiên người ta nhỏm dậy, mở cửa đi và không biết là mình đi. Đó là biểu tượng của sự vong thân. Năm ngoái, trong khóa tu chúng ta đã nói về tình trạng cô hồn. Mỗi chúng ta đều có cái hạt giống cô hồn trong người. Chúng ta thỉnh thoảng lại có khuynh hướng bỏ nhà ra đi, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ thầy, bỏ bạn mà đi. Hạt giống cô hồn nếu lớn lên thì chính nó sẽ đẩy chúng ta đi. Chúng ta sẽ làm một kẻ thụy du, đi mà không biết là mình đi đâu. Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh. Đi đâu cũng được.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×