Bài 11: Chánh niệm là tự làm chủ

30/12/2021 2.839 lượt xem

Rửa chén hay chép kinh trong chánh niệm

Kỳ trước chúng ta đã nói tới như lý tác ý. Như lý tác ý là để ý tới những đối tượng có thể giúp ta đi về hướng chánh niệm, đi về hướng hiểu biết và thương yêu. Ví dụ khi nghe tiếng chuông, ta nhớ trở về với hơi thở chánh niệm và mỉm cười. Tiếng chuông trở thành một yếu tố giúp chúng ta thực tập như lý tác ý. Còn nếu chú ý tới một hình ảnh hay một âm thanh có công dụng kéo ta đi về quá khứ, đưa ta bập bềnh trên biển tương lai, hay khiến ta bị giam hãm trong những tâm trạng buồn khổ, lo phiền, thì đó gọi là phi như lý tác ý.

Sống ở trong một tăng thân, ta phải tạo cho mình và mọi người những cơ hội để được thức tỉnh, để ai nấy có thêm những giây phút như lý tác ý. Khi bước vào bếp thấy anh rửa bát, tôi hỏi: “Anh đang làm gì đó?” Đó là một phương cách giúp anh như lý tác ý. Nếu anh chỉ biết trả lời: “Thưa thầy, con đang rửa bát.” thì anh còn dở quá đi! Tôi hỏi như vậy với mục đích là giúp anh trở về với hơi thở, để anh thấy được rửa chén trong chánh niệm là một động tác mầu nhiệm. Nếu ta rửa chén với chánh niệm và nụ cười thì việc rửa chén trở nên một niềm vui. Còn nếu ta đang rửa chén với sự bực bội: “Tại sao người ta đi ngủ hết rồi mà mình còn đứng đây?” thì anh đang ở địa ngục. Câu hỏi của tôi giúp anh thực tập như lý tác ý, trở về với chánh niệm, với tịnh độ. Còn nếu tôi không có đó thì anh phải tự hỏi mình. Nếu anh tự thấy đang thất niệm, đang lẩn quẩn trong nỗi buồn bực vì nghĩ rằng mình rửa bát mà người khác đang ngủ, thì anh phải trở về hơi thở. Hơi bực dọc một chút thì anh tự hỏi: “Ta đang làm gì đây?” Đang rửa bát mà đầu ta suy nghĩ từ chuyện này đến chuyện khác cũng vậy. Đó không phải là như lý tác ý. Thực tập chánh niệm là khi rửa bát ta chỉ rửa bát mà thôi. Phải rửa bát như là ta đang ở trong tịnh độ. Rửa bát với hơi thở và với nụ cười thì cũng giống như ta đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh.

Cho nên lúc nhận ra là ta đang rửa chén vội vàng, ta chỉ muốn làm cho xong, thì ta phải như lý tác ý. Ta nói: “Mình đang làm gì đây?” Nếu sư chú không thực tập được như vậy thì uổng cả cuộc đời tu! Dầu sư chú có rửa được sáu, bảy ngàn cái chén mỗi ngày thì công đức của sư chú cũng chỉ bằng hạt cát. Cho nên khi vua Lương Vũ Đế hỏi thầy Bồ Đề Đạt Ma: “Lâu nay tôi làm được bao nhiêu chùa, tô bao nhiêu tượng, vậy tôi có công đức không?” Thầy Bồ Đề Đạt Ma nói: “Không có công đức gì hết”. Nếu sư chú hay sư cô làm việc quần quật suốt ngày, nghĩ rằng đang đem hết thân mạng của mình để phụng sự Tam Bảo, nhưng trong khi làm việc sư chú và sư cô làm không có chánh niệm và an lạc, thì công đức của sư chú và của sư cô cũng rất ít! Quý vị cũng vậy, quý vị có thể là y tá, là bác sĩ, là người bảo vệ sinh môi. Nếu quý vị làm quần quật suốt cả đời, nghĩ rằng mình đang cứu vớt nhân loại, mình đang bảo vệ trái đất, nhưng quý vị không sống đích thực, sống không chánh niệm, thì quý vị cũng bị thầy Bồ Đề Đạt ma sổ toẹt thôi. Điều quan trọng là trong giây phút hiện tại ta có sống hay không? Giây phút đó có hạnh phúc, có an lạc, có ánh sáng của Bụt chiếu tới, hay không?. ánh sáng của Bụt ở đây là chánh niệm. Mỗi khi có chánh niệm là ta có ánh sáng ấy. Ta không cần phải trở lui hai ngàn sáu trăm năm trước để gặp Bụt mới có ánh sáng đó. Ta có thể tiếp xúc với Bụt trong bất cứ giây phút nào, tại vì chánh niệm là Bụt, là giác ngộ.

Chánh niệm nhiều khi được tạo ra từ thất niệm. Cũng như hoa sen sinh ra tự trong bùn. Muốn có chánh niệm, muốn nuôi dưỡng chánh niệm, ta có thể sử dụng ngay những chất liệu phiền não. Những đau buồn và sầu hận của ta, cũng như tất cả những rác rến khác ở trong ta, nếu biết cách ta có thể ủ chúng làm phân bón. Từ phân bón đó có thể sinh ra những bông hoa chánh niệm rất tươi đẹp. Đó là Bụt ở trong tự thân của chúng ta.
Cho nên khẩu quyết đưa ra rất đơn giản: “Ta đang làm gì đây?” là một tiếng chuông chánh niệm rất lớn. Ta đang phung phí đời ta vào việc gì vậy? Ngay trong lúc ta chép kinh hay tụng kinh cũng vậy nữa. Có khi ta chép kinh và tụng kinh trong thất niệm, đó cũng là làm phí cuộc đời. Đừng tưởng chép kinh thì tự nhiên có công đức. Chép kinh không chánh niệm thì công đức là số không.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×