Quán niệm thân trong thân
Khi thực tập chánh niệm về thân, chúng ta biết những gì đang xảy ra trong thân thể. Chúng ta nhận diện những bộ phận của thân thể chúng ta. Chúng ta nhận diện những tư thế và những động tác của thân thể ta: đi, đứng, nằm, ngồi, cúi đầu xuống, co tay lên, lau nhà, rửa chén… Và tiếp đến chúng ta nhận diện những yếu tố tạo thành ra thân thể ta như chất đặc, chất lỏng, hơi nóng và không khí, gọi là tứ đại (maha bhuta): đất, nước, lửa, gió. Tôi đang thở vào và nhận diện yếu tố đất ở trong tôi. Thở vào như vậy, ta nhận ra yếu tố đất trong ta. Đất này không phải là đất bám ngoài da khi chưa đi tắm đâu. Đất nằm ngay ở trong máu, trong tim, trong óc. Sau này ta sẽ nhận diện yếu tố đất bên ngoài đang nuôi dưỡng ta, để thấy ta không phải chỉ ở bên trong, ta còn ở bên ngoài. Từ đó ta sẽ đi tới cái thấy về tính chất bất sinh và bất diệt. Tôi đang thở vào và thấy yếu tố đất trong tôi, tôi đang thở ra và cười với yếu tố đất trong tôi. Tôi đang thở vào và nhận diện yếu tố lửa trong tôi. Nếu không có sức nóng thì làm gì có sự sống? Ta phải thấy được sức nóng ở trong ta, rồi thấy năng lượng mặt trời ở ngoài đang nuôi dưỡng ta. Tôi đang thở ra và tiếp xúc với yếu tố nước ở trong tôi. Trong thân thể ta, ít nhất bảy mươi phần trăm trọng lượng là nước. Sau này, ta sẽ nhận diện sự có mặt của yếu tố nước ngoài thân thể, để thấy rằng ta thật không phải ở trong cũng không phải ở ngoài. Rồi đến không khí. Tất cả những thực tập đó đều thuộc về lĩnh vực mà trong Kinh dạy là quán niệm thân thể trong thân thể (the contemplation of the body in the body).
Quán niệm ở đây không có nghĩa là nhìn ngắm với tư cách một quan sát viên, mà phải đặt mình vào trong đối tượng quán chiếu. Người quán niệm với đối tượng quán niệm là một. Nếu ta đóng vai một quan sát viên thì sự quán sát vẫn có tính cách nhị nguyên, tức là có sự tách rời giữa người quán sát và vật được quán sát. Thực tập theo Kinh Niệm Xứ, ta phải quán chiếu như thế nào để ta với đối tượng quán chiếu trở thành một. Cho nên Kinh nhấn mạnh là quán niệm thân thể trong thân thể. Chúng ta tưởng tượng: có một anh đi xin việc. Người chủ hãng ngước nhìn anh từ đầu tới chân, đánh giá. Con mắt nhìn đánh giá đó có tính cách nhị nguyên. Ông chủ hãng và anh xin việc hoàn toàn khác biệt. Nhưng ta cũng có thể có một cách nhìn khác. Ta nhìn người ấy, tự đặt ta vào người ấy. Ông chủ biết rằng người xin việc đang run. Một tiếng “có” hay “không” của ông có thể quyết định số phận của người ấy. Nếu ta đặt ta vào hoàn cảnh của anh, của gia đình anh, của tâm tư anh, thì ta mới hiểu được anh. Cách thứ hai này chính là cách Bụt dạy quán chiếu. Khi quán chiếu, ta đừng dùng cái trí năng, cái intellect của ta, đừng đứng ngoài đối tượng của sự quán chiếu. Quán chiếu như thế nào để chủ thể và đối tượng trở thành một thì mới đúng là quán chiếu theo tinh thần đạo Bụt. Đó gọi là vô phân biệt trí. Tiếng Pháp có động từ comprendre, tức là hiểu. Động từ đó gồm tiếp đầu ngữ com và động từ prendre. Prendre tức là cầm lấy. Com tức là trở thành một với cái đó. Khi hiểu một người nào thì mình phải trở thành một với người đó, như vậy mới thật sự là hiểu. Đó là tinh thần quán chiếu của đạo Bụt.
Quán niệm thân thể trong thân thể, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm hành trong tâm hành. Luôn luôn Bụt lặp đi lặp lại như vậy. Có lần tôi đặt câu hỏi: “Tại sao phải lặp lại quán niệm thân thể trong thân thể?” Một vị Phật tử trả lời: “Như vậy để người nghe chú ý rằng đây là thân thể chứ không phải là tâm hành hay là cảm thọ.” Nói vậy là không hiểu ý Bụt. Theo phương pháp đạo Bụt, câu trên phải được hiểu là trong khi quán niệm ta phải xóa bỏ ranh giới giữa chủ thể và đối tượng.
Trong phần quán niệm thân thể trong thân thể, Bụt dạy đến việc theo dõi hơi thở. Hơi thở thuộc về lĩnh vực của thân, vì hơi thở liên hệ tới phổi, tới những bắp thịt của hoành cách mô. Nhưng hơi thở còn là một cây cầu bắc từ thân sang tâm. Vì vậy, theo dõi hơi thở giúp ta phát khởi và duy trì chánh niệm một cách kỳ diệu. Người tu học không nắm vững phương pháp quán niệm hơi thở thì rất khó thành công. Trong khi quán niệm về thân thể, về các bộ phận, các tư thế, các động tác và về tứ đại trong thân thể, nếu biết sử dụng hơi thở có ý thức, ta sẽ thành công gấp trăm, gấp ngàn lần. Hơi thở có ý thức (la respiration consciente) giúp ta duy trì đối tượng đang quán chiếu, và nuôi dưỡng chánh niệm, không để cho tan loãng.
Hơi thở có thể là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, hoặc cùng đi đôi với một đối tượng khác. Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào; tôi đang thở ra và tôi biết tôi đang thở ra. Tôi đang thở vào một hơi dài và tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài; tôi đang thở ra một hơi dài và tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Tôi đang thở vào một hơi ngắn và tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn; tôi đang thở ra một hơi ngắn và tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn. Đó là nhận diện hơi thở, biết được chiều dài ngắn của hơi thở. Trong trường hợp này, hơi thở là đối tượng đơn thuần của chánh niệm, gọi là hơi thở chánh niệm (mindfulness of breathing). Chúng ta nên nhớ chánh niệm luôn luôn là chánh niệm về một cái gì (mindfulness is always mindfulness of something). Không thể có chánh niệm mà không có đối tượng.
Điều này cũng áp dụng với tất cả các tâm hành. Niệm là một trong năm mươi mốt tâm hành. Dùng tâm hành chánh niệm ta quán chiếu các tâm hành khác. Tôi đang thở vào và làm an tịnh sự vận hành của thân thể tôi; tôi đang thở ra và làm an tịnh sự vận hành của thân thể tôi. (Breathing in, I calm the activity of my body. Breathing out, I calm my body). Trong trường hợp này, đối tượng của chánh niệm vừa là hơi thở vừa là tình trạng của thân thể. Đối tượng chánh niệm không còn thuần là hơi thở nữa. Những vận hành của thân thể gọi là thân hành. Dùng hơi thở để làm cho thân thể mình yên tịnh lại, đó gọi là an tịnh thân hành. Đối tượng chánh niệm ở đây tuy là hơi thở nhưng hơi thở đó chuyên chở cảm thọ về thân thể, giúp cho thân thể êm dịu lại.
Thân thể ta đôi khi bất an như trong trạng thái gọi là trạo cử, một trong 51 tâm hành. Trạo cử tức là chộn rộn, muốn múa máy, muốn
cựa quậy, cả thân lẫn tâm, đứng không yên, ngồi không yên, như trên đống lửa. Thân và tâm đều như đang bốc cháy, ta muốn đứng dậy, muốn nhảy, muốn làm một cái gì. Tâm hành đó gọi là trạo cử. Tâm có thể bị trạo cử, và thân cũng vậy. Những lúc có trạo cử ta phải dùng phương pháp quán niệm hơi thở để làm cho thân tâm an tịnh lại. Theo kinh nghiệm của thiền môn, mỗi khi tâm hay thân bị trạo cử thì người ngồi thiền tập trung ý niệm vào nơi rốn. Vừa thở và vừa chú ý tới bụng mình đang lên xuống theo. Tôi đang thở vào và biết rằng bụng tôi đang phình ra, tôi đang thở ra và biết rằng bụng tôi đang xẹp xuống. Tôi đang thở vào và làm cho thân tôi an tịnh, tôi đang thở ra và làm cho thân tôi an tịnh. Khi ta chú ý vào huyệt đan điền nơi bụng thì máu sẽ dồn xuống đó, và trên đầu sẽ bớt nóng. Thân và tâm ta sẽ bớt lăng xăng. Những lúc buồn ngủ, ta lâm vào trạng thái hôn trầm (sleepiness). Khi bị hôn trầm thì ta làm ngược lại, nghĩa là đem sự chú ý của mình lên trên chóp mũi. Thở vào, ý thức rằng hơi thở đang đi vào cơ thể mình qua lỗ mũi. Thở ra, ý thức rằng hơi thở đang từ hai lỗ mũi đi ra. Làm như vậy máu sẽ dồn lên phía trên, sau một vài phút ta sẽ thấy tỉnh táo hơn. Đó là phương pháp các thầy từng sử dụng ở chùa lâu nay. Nếu ngồi thiền một mình thì ta có thể đứng dậy, đi kinh hành. Còn nếu ngồi thiền với đại chúng, sợ đứng dậy sẽ làm động chúng, ta nên thực tập theo cách thức trạo cử đi xuống, hôn trầm đi lên.