Đã về, đã tới. Thở vào một hơi, ta nói: Đã về rồi. Không cần phải làm một việc gì khác nữa. Việc làm quan trọng nhất là sự về nhà. Mỗi bước chân đi đều có an lạc. Mỗi bước chân đi vào tịnh độ. Cũng trên mặt đất này nhưng có người đang bước đi như bước trong địa ngục. Còn ta đang bước trên tịnh độ vì ta đã về. Nơi nào cũng là nhà. “Đại thiên sa giới ngoại, hà xứ bất vi gia?” Trong tam thiên đại thiên thế giới này, chỗ nào chẳng phải là nhà của mình? Đó là hai câu thơ của một thiền sư đời Lý, tên là Thường Chiếu. Nếu cùng đi với đại chúng mà đi mau hơn, ta có thể trong khi thở vào, bước hai hay ba bước (đã về, đã về, đã về), thở ra (đã tới, đã tới, đã tới). Đi thiền hành là một niềm vui. Leo núi Thứu ta bước như vậy, mà bước trên đồi Meyrac ở Làng Mai, ta cũng bước như vậy. Ta có thể gặp Bụt bất cứ lúc nào nếu ta thực tập đã về, đã tới. Chỉ thực tập như vậy, cũng đủ mang lại rất nhiều hạnh phúc rồi, chứ đừng nói là tu tập nhiều hơn.
Sau khi thực tập 5 phút hoặc 10 phút, ta có thể tập đến các câu kế tiếp: bây giờ, ở đây. Khi thở vào, bây giờ, bây giờ; khi thở ra, ở đây, ở đây, Nhưng ta không được lặp lại những quán ngữ ấy như một con vẹt: bây giờ, bây giờ, ở đây, ở đây. Ta phải làm sao để cho ta thực sự an trú ở giây phút hiện tại thì đó mới là bây giờ và ở đây. Có những người niệm Bụt mà không đủ chánh niệm. Niệm Bụt như một con vẹt thì dù có niệm 52 vạn tiếng, công đức cũng là số không. Các câu “bây giờ và ở đây”, nếu lặp lại mà thiếu chánh niệm, thì chi bằng ta thâu chúng vào băng cassette để phát ra cho dễ có công đức! Nhưng chúng ta nhất định không làm cái máy cassette. Khi thở vào (bây giờ, bây giờ) ta thấy rất rõ ta đang an trú trong giờ phút hiện tại. Ta an trú ở đây. Ta đang ở Làng Mai thì Làng Mai là tịnh độ. Chừng nào ta về Úc, thì Úc là tịnh độ. Chừng nào về Houston, thì Houston là tịnh độ. Còn bây giờ ở Làng thì Làng còn là tịnh độ của ta.
Có khi ta thực tập đã về, đã tới, mà mới chỉ về chỉ tới được có 30 phần trăm thôi. Vì ta đang còn bị lôi kéo bởi quá khứ và tương lai. Nhưng càng thực tập ta càng về được nhiều hơn. Đến khi thực tập sang câu “bây giờ và ở đây”, ta có thể đã về tới 80 hoặc 90 phần trăm, có khi 100 phần trăm. Bước chân ta đã thực hiện được sự trở về 100 phần trăm, đó là bước chân của tượng vương, của con voi chúa. Bước chân của Bụt bước nào cũng như vậy. Mỗi bước chân đều vững chãi như bước chân tượng vương.
Sau khi thực tập và biết là mình đang ở đâu rồi, thì hạnh phúc tự nhiên có mặt. Ta sẽ tập tiếp “Vững chãi, thảnh thơi”. Đây là hai thuộc tính của niết bàn. Khi nếm được an lạc của niết bàn thì ta có sự vững chãi, thảnh thơi. Thảnh thơi tức là không bị ràng buộc, không làm nô lệ cho quá khứ, cho tương lai, cho sự thèm khát, giận hờn, lo lắng, buồn phiền. Ta là con người tự do. Chỉ cần đi trong hai điều kiện này thôi là ta có hạnh phúc tràn trề rồi. Hạnh phúc đó nuôi dưỡng ta và trị liệu những khổ đau trong ta. Cả những khổ đau đã được truyền lại từ nhiều thế hệ tổ tiên, ta cũng có thể chuyển hóa. Chúng ta có thể đã tiếp nhận bao nhiêu khổ đau của nhiều thế hệ. Nhưng nếu ta biết phát khởi chánh niệm và dùng năng lượng chánh niệm để trở về, để tiếp xúc được với những hạt giống an lạc, hạnh phúc trong bản thân ta, thì sự vững chãi, thảnh thơi đạt được sẽ chuyển hóa và trị liệu những nỗi khổ và niềm đau ấy.
Sự thực tập của ta là quy y, nghĩa là quay về nương tựa. Quay về đây tức là quay về với gốc rễ của mình. Gốc rễ Bụt, Pháp, Tăng vốn sẵn ở trong lòng ta. Ta không còn sợ hãi nữa. Như một đợt sóng. Đợt sóng có lên có xuống, nhưng khi đợt sóng quay về với nước, biết mình là nước rồi, thì không còn sợ hãi nữa. Quay về với bản tánh tự tâm của mình, với chân như, với giác tính, là ta không còn sợ hãi. Lên cũng được, xuống cũng được, sống cũng được, chết cũng được. Không có gì thêm, không có gì bớt cả. Đó gọi là quay về nương tựa. Đây là một bài thực tập rất đơn giản cùng với nhiều bài thực tập khác mà chúng ta phải nắm cho vững. Bài thực tập này có thể được sử dụng trong khi ngồi thiền, trong khi đi thiền hành, trong khi làm việc, trong khi nấu cơm, trong khi ăn cơm. Ăn cơm cho có an lạc, ngồi ăn như ngồi ở tịnh độ. Nếu ăn cơm mà không có hạnh phúc, không có thảnh thơi thì ta đã thực tập sai. Đừng nói: “Ăn cho mau xong để còn đi ngồi thiền.” Nói thế là không đúng. Tại vì ăn cơm cũng có giá trị tương đương với ngồi thiền. Phải ăn cơm trong chánh niệm. An lạc từng giây phút, đó là thiền. Cho nên chúng ta có thiền đi, thiền ngồi, thiền trà, thiền ăn, thiền nói. Cái gì cũng có chất thiền. Thiền ở đây chỉ có một nghĩa thôi, đó là sự có mặt của chánh niệm. Hễ có mặt của chánh niệm thì bất cứ việc gì ta làm đều trở thành thiền hết. Và nếu có chánh niệm tức là ta đang ở cõi tịnh độ, ta đang tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của ta.
(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh