Bài 11: Chánh niệm là tự làm chủ

30/12/2021 3.489 lượt xem

Kinh người biết sống một mình

Sống một mình là sống trong chánh niệm. Có những người không thể sống một mình, có những người chỉ có thể sống khi dựa vào người khác, vật khác. Người khác ở đây có thể là phim chưởng, có thể là tiểu thuyết, có thể là tivi. Nếu không có một đối tượng bên ngoài nào dẫn dắt thì người ấy không thể sống được, nếu ở không thì chắc chết, cho nên người ấy phải cầm điện thoại lên để nói, nói với bất cứ ai, bất cứ chuyện gì. Hoặc nếu không gọi điện thoại cho ai được thì phải mở truyền hình ra xem. Nếu trong truyền hình không có gì để xem thì phải đi kiếm một tờ báo. Nếu không có báo thì đi tìm một cuốn tiểu thuyết. Luôn luôn phải có cái gì đó để giúp cho mình đứng vững. Nếu không thì ngã lăn ra, không sống nổi.

Biết sống một mình (ekavihari) nghĩa là sống mà không cần đến những thứ trên. Tự mình đã có đủ niềm vui, có đủ sự sống. Trong các Kinh ấy, Bụt dạy: Đi vào trong rừng mà sống, xa cách xã hội, không có ai ở chung với mình, cái đó chưa phải là sống một mình đích thực. Nếu ở trong rừng mà vẫn nghĩ vọng về quá khứ, vẫn mơ mộng hay lo lắng tới tương lai, như thế Bụt gọi là sống hai mình (sadutiyavihari). Chữ này là chữ của Ngài. Dẫu anh ở trong rừng không có bóng người mà không an trú được trong hiện tại thì anh vẫn sống hai mình như thường. Còn nếu anh đi vào trong chợ mà có chánh niệm, biết được những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, tinh lực của chánh niệm đang tỏa sáng và cho anh biết anh đang đi, đang đứng, đang nói, đang cười, lúc đó là anh sống một mình. Đây là một Kinh rất quan trọng. Kinh Người Biết Sống Một Mình là văn kiện cổ nhất của nhân loại nói về nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Kinh này đã được dịch và chú giải. Trong Kinh có bài kệ rất nổi tiếng:

Đừng tưởng nhớ quá khứ,
Đừng lo lắng tương lai.
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới.
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại.
Kẻ thức giả an trú,
Vững chãi và thảnh thơi.
Hãy tinh tiến hôm nay,
Kẻo ngày mai không kịp;
Cái chết đến bất ngờ,
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm,
Thì Như Lai gọi là:
Người biết sống một mình.

Đó là một bài thơ của Bụt. Bài này được lặp đi lặp lại nhiều lần ở trong những Kinh có chủ đề Biết Sống Một Mình. Có Kinh lặp lại bài kệ đó tới hai lần, có Kinh một lần. Có khi đọc bài kệ xong, Bụt đi vào ngồi thiền. Các thầy chưa hiểu, đi tìm một thầy khác để hỏi. Có khi đọc xong rồi Bụt giảng giải. Như vậy, ngày xưa Bụt cũng đã dùng thi ca để mà giảng dạy đạo lý.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×