Bài 21: Bốn duyên và sáu nhân

04/08/2023 1.337 lượt xem

Bốn duyên và sáu nhân

Duyên nói chung là những điều kiện để cấu thành các hiện tượng về tâm cũng như thân. Trong Bốn Duyên, loại duyên thứ nhất là Nhân duyên. Nhân tức là hạt giống từ đó sinh ra quả. Duyên là một điều kiện. Khi ta nói Nhân duyên thì Nhân là một thứ duyên, một điều kiện để tác thành. Điều kiện đầu tiên là có sẵn hạt giống. Ví dụ chúng ta có một hạt giống của giác ngộ, của chánh niệm trong ta. Đó là một duyên đầu, gọi là Nhân duyên. Bụt dạy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có hạt giống của giác ngộ, của hạnh phúc. Hạt giống đó vì còn bị ngăn trở không cho trưởng thành nên ta cứ trầm luân trong biển khổ. Chúng ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng. Nếu chúng ta cứ tự tưới tẩm hoặc để cho người khác tưới tẩm hạt giống đó, thì một ngày kia niềm tuyệt vọng cũng sẽ lớn lên, tràn lấp tâm ta và sẽ làm ta đau khổ. Chúng ta có hạt giống của giác ngộ, của niềm tin, của tình thương nhưng chúng ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng và của sự căm thù. Hạt giống đó là một điều kiện tác sinh, gọi là Nhân.

Loại điều kiện thứ hai là duyên Tăng Thượng. Tăng tức là thêm, Thượng tức là trồi lên. Loại điều kiện thứ hai là những điều kiện giúp vun trồng và tưới tẩm thêm cho hạt giống đầu phát triển. Nếu hạt giống của niềm tin trong ta mỗi ngày được tăng thân, được thầy, được bạn tưới tẩm cho, thì niềm tin đó ngày càng lớn. Duyên Tăng Thượng có hai trường hợp: thuận và nghịch. Những điều kiện thích hợp, nâng đỡ, bổ túc thì gọi là thuận. Ví dụ niềm tin của chúng ta mỗi ngày đều được các bài pháp Thoại của thầy hay lời khuyên nhủ của các sư anh, sư chị hỗ trợ, thì đó gọi là duyên Tăng Thượng thuận. Nếu có người ngày nào cũng nói những điều làm cho chúng ta nghi ngờ, thì niềm tin của chúng ta ngày càng bị yếu, đó là duyên Tăng Thượng nghịch. Nhiều khi duyên nghịch cũng có thể giúp chúng ta được chứ không phải chỉ có duyên thuận. Nếu chỉ gặp những thuận duyên thôi thì có thể chúng ta không biết quý. Gặp sóng gió ba đào, khó khăn trắc trở, niềm tin và sức mạnh có thể nhờ thế lớn lên. Gặp những duyên nghịch thì mình mới biết sức mình, được đào luyện trong những điều kiện khó khăn như thép được tôi luyện trong lửa. Thành ra những duyên nghịch cũng có thể có ích lợi. Nếu Bụt không trải qua những năm tháng tu khổ hạnh thất bại thì Bụt đã không dạy con đường Trung Đạo, con đường không hành hạ xác thân mà cũng không đắm chìm trong năm thứ dục lạc.

Thứ ba là duyên Thứ Đệ, có khi gọi là Đẳng Vô Gián Duyên. Thứ Đệ tức là có trước có sau. Đẳng tức là bằng nhau, bình thường, đều đều. Vô-gián nghĩa là không gián đoạn. Sự hình thành nào cũng cần được liên tục, không gián đoạn. Ví dụ như sự tu học cần được tiếp tục ngày này sang ngày khác không gián đoạn thì mới thành công được. Tục ngữ có câu “cóc bỏ vào dĩa” là nói những người không đủ kiên trì, không tạo được duyên thứ ba là duyên Thứ Đệ. Luộc khoai mà đốt lửa thật lớn trong ba phút rồi tắt lửa, rồi hai phút sau đốt lửa trở lại rồi lại tắt, cứ như vậy thì không bao giờ khoai chín cả. Đó là thiếu Đẳng vô gián duyên.

Thứ tư là duyên Sở duyên. Sở duyên là đối tượng. Nếu không có đối tượng thì không có chủ thể; như niềm tin thì có đối tượng của niềm tin, niềm tuyệt vọng cũng có đối tượng của niềm tuyệt vọng. Đối tượng đó gọi là Sở Duyên (object), còn chủ thể gọi là Năng Duyên (subject).

Muốn hiểu vai trò và tác động của bốn loại duyên chúng ta nên nhìn dưới ánh sáng của Duy Biểu học – thường gọi là Duy Thức học. Trước hết, các tâm hành đều có chủ thể và đối tượng, không thể tách rời nhau. Thử hình dung tâm của chúng ta, phía trên là ý thức và phía dưới là tàng thức. Chúng ta hãy nói đến một tâm hành, ví dụ một niềm đau khổ. Niềm đau khổ ấy có hạt giống sẵn ở trong tàng thức. Hạt giống đó có thể nằm im trong bao nhiêu năm ta không cảm thấy gì hết. Niềm đau không phát hiện lên trên ý thức, vì hạt giống ấy chưa được tưới tẩm. Hạt giống là duyên Nhân.

Bây giờ nếu có những điều kiện tưới tẩm từ cha mẹ, anh em, xã hội, học đường thì hạt giống đó có cơ hội nẩy mầm. Mọi người có thể tưới tẩm nó bằng lời nói, cử chỉ, cái nhìn và hành động. Một hạt giống có thể được tưới tẩm bằng sự có mặt của những hạt giống khác. Những hạt giống phiền não khác tưới tẩm hạt giống phiền não này. Những yếu tố nội tại và những tác động bên ngoài đó đều được gọi là những duyên Tăng Thượng.

Việc tưới tẩm xẩy ra liên tục. Ngày ngày ta cũng nghe, cũng thấy, ngày nào cũng xúc tiếp, hạt giống đau buồn ấy tiếp tục lớn lên, biểu hiện trên mặt ý thức. Và đây là loại duyên thứ ba, gọi là duyên Thứ Đệ. Giả thử niềm đau đó không có duyên Thứ Đệ, như ta được đưa về một môi trường khác, một tăng thân có hạnh phúc để tu học, để thực tập chánh niệm, chánh ngữ, chánh kiến, thì sự tưới tẩm hạt giống khổ đau tự nhiên ngưng lại, bị gián đoạn, và duyên Thứ Đệ không còn nữa. Sự phát hiện hạt giống bất thiện có thể ngừng lại để ta thực tập tưới tẩm những hạt giống thiện.

Và cuối cùng, đến các điều kiện thứ tư là duyên Sở Duyên. Niềm đau khổ phải có một đối tượng để phát hiện, như đau khổ về một chuyện gì: về tương lai, thân phận, hạnh phúc hoặc tình thương. Đối tượng đó gọi là duyên Sở Duyên.

Trong truyền thống Đạo Bụt Bắc Tông, từ bộ phái Hữu Bộ đã phát xuất quan niệm về Bốn Duyên và Sáu Nhân mà sau này tông Duy Thức trong Đại Thừa đã khai triển. Tất cả mọi hiện tượng đều có thể giải thích do bốn loại duyên mà thành hình.

Khi chúng ta quán chiếu về một hiện tượng của tâm hay của thân, chúng ta phải quán chiếu đến cội nguồn và phải thấy được bốn loại điều kiện ấy. Riêng về điều kiện đầu, Nhân duyên, chúng ta có thêm lý giải về Sáu Nhân, tức là sáu loại hạt giống của sự hình thành.

Trước hết là nhân Năng Tác (Nói lối Hán Việt là Năng Tác Nhân), tức là nhân đầu tiên điều động và tạo tác. Nhân Năng Tác có hai tác dụng: tác dụng dữ lực, nghĩa là tạo cho sức mạnh (empowering); và tác dụng bất chướng, nghĩa là không gây chướng ngại (non-resistant). Nhân thứ hai là Câu Hữu. Câu Hữu (co-existing) tức là cùng có mặt, tiếng Phạn là sahabhuta, là những nhân có đồng thời với nhau, không có cái nào trước, không có cái nào sau. Ví dụ như khi ta vẽ một đoạn thẳng AB thì ta thấy đầu A với đầu B đều hiện diện, nếu đầu B không có thì A cũng không có; dù đường ngắn hay dài cũng vậy. Có A là có B, có B là có A; B làm ra A, A làm ra B; B và A cùng có một lần. Câu hữu có nghĩa như vậy. Điều này cũng là đặc tính của những ý niệm có và không, trên và dưới, trong và ngoài, trước và sau, sinh và tử.

Thứ ba là nhân Đồng Loại. Đồng Loại tức là cùng chủng loại (of the same kind, same category). Những nhân đó cùng là nhân tốt hay cùng là nhân xấu. Ví dụ như ta có hạt giống của niềm tin và có thêm hạt giống của niềm vui; tin tưởng đưa đến sự vững chãi và sự vui tươi mà vui tươi lại đưa tới sự tin tưởng và vững chãi. Hai nhân đó cùng nâng đỡ nhau, gọi là nhân Đồng Loại.

Thứ tư là nhân Tương Ưng. Tương Ưng (sampayupta) là hai cái đáp ứng với nhau, cộng tác với nhau (associating). Hai cái có thể là khác nhau nhưng tương ứng với nhau. Nhân này tiếp ứng, hỗ trợ cho nhân kia để lớn mạnh thì gọi là Tương Ưng.

Thứ năm gọi là nhân Biến Hành (sanvatraga). Biến Hành tức là hoạt động khắp nơi, có mặt khắp nơi (all pervading, universal). Ví dụ như nước có tính cách biến hành, chỗ nào nước cũng có mặt: trong cơ thể chúng ta, trong cây cối, trong đất, trong không khí đều có nước. Những tâm hành Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, TƯ là những tâm sở biến hành ở đâu cũng có.

Nhân thứ sáu gọi là nhân Dị Thục (vipaka). Dị Thục ở đây tức là nói về Tàng Thức. Dị tức là khác nhau, Thục tức là chín. Chữ Dị có ba hình thức: khác thời, khác loại và thay đổi. Dị thời nhi thục tức là có những nhân chín sớm, có những nhân chín trễ. Ví dụ như một nải chuối: nải chuối chưa chín lắm chúng ta mang về để trên bàn, nải chuối ở trong nhà ấm áp sẽ từ từ chín. Nghĩa thứ hai của Dị là khác loại, Dị loại nhi thục tức là không cùng một loại. Ví dụ như xoài và chuối khác nhau; khi chuối chín thì thành ra chuối chín, khi xoài chín thì không thành ra chuối chín. Khác nhau là dị loại. Nghĩa thứ ba của Dị là Biến Dị Nhi Thục. Khi còn xanh, còn non thì quả nó khác, khi chín thì nó khác. Hạt giống thế này, đến khi thành trái cây chín muồi nó lại khác. Người ngồi thiền, mới ngồi thì thấy hơi khó chịu, không được thoải mái lắm. Nhưng ngồi được chừng 20, 30 phút thì chuyện thiền tọa đã chín và ta cảm thấy thư thái, an lạc; trong đó cũng có nhân Biến Dị Nhi Thục. Ngồi cho đúng phép, có duyên Nhân, duyên Tăng Thượng, duyên Thứ Đệ và duyên Sở Duyên thì ngồi thiền thành công. Tại sao có người trông mong đến giờ để được đi thiền hành, lại có người nghe chuông thiền hành thấy mệt nhọc trong lòng? Đó là tùy thuộc những thứ duyên khác nhau.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×