Bài 21: Bốn duyên và sáu nhân

04/08/2023 860 lượt xem

Mặt tích cực của mười hai nhân duyên

Trong kiếp nhân sinh, ta có Vô Minh, nhưng không phải chỉ có Vô Minh. Nếu đời sống hằng ngày chỉ là thuần túy Vô Minh thì Đạo Bụt đi vào bằng cửa nào? Làm sao có sự cứu độ? Làm sao có sự chuyển hóa? Cho nên ta có Vô Minh nhưng cũng có Minh. Nếu ta không có chút Minh nào cả thì tại sao Bụt lại nói tất cả chúng sinh đều có hạt giống của trí tuệ, của giác ngộ và giải thoát? Vì vậy không những trong Thức có hạt giống của Minh mà trong Danh Sắc cũng có hạt giống của Minh; trong Lục Nhập, trong Xúc, trong Thọ, trong Ái, trong Thủ, trong Hữu, trong Sinh và trong Lão Tử đều có hạt giống ấy, như trong Đêm có hạt giống Ngày. Quý vị hãy nghĩ tới nguyên lý tương tức. Trong rác có hoa nhưng trong hoa cũng có rác. Nếu chúng ta biết cách sử dụng rác thì rác sẽ biến thành hoa. Mà nếu chúng ta không biết cách thì hoa, thay vì mười lăm ngày sau mới thành rác có thể hoá thành rác rất sớm. Vì vậy chúng ta biết trong Vô Minh có Minh; trong Thức có hạt giống của Trí Tuệ. Đó mới đúng là tinh thần đạo Bụt.

Nếu vứt bỏ hết tất cả Mười Hai duyên này đi thì chúng ta không có đường nào để đạt tới thanh tịnh, an lạc, Niết Bàn. Chúng ta phải giữ lại tất cả. Điều này rất quan trọng! Chúng ta có một ly nước đục, nếu đổ hết ly nước đục đi thì chúng ta không còn gì để làm ra một ly nước trong hết. Vì nước đục có thể biến thành nước trong, chúng ta phải sử dụng ly nước đục. Ta đang ở trên biển cả và đang khát. Có một chai nước đục mà liệng xuống biển là dại dột lắm! Phải làm thế nào cho chai nước đó trong lại để uống. Tất cả những Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc… phải được chấp nhận và chuyển hóa thành (1) Minh. Bụt dạy “Vô Minh diệt, Minh sinh” chứ không phải Vô Minh diệt là không còn gì nữa.

Nếu Vô Minh duyên Hành thì Minh duyên cái gì? Các Tổ chưa nói hết. Chúng ta là con cháu phải tiếp tục. Vô Minh quấy động, tạo ra những đam mê, những giận hờn, những cuộc chạy đua, những quẩn quanh dại dột gọi là Tư Niệm Thực, loại thức ăn thứ ba. Có những người trầy da, tróc vẩy, gây tổn hại cho cả thân tâm vì chạy theo danh vọng, bằng cấp, nghĩ rằng được những cái đó là hạnh phúc. Tư Niệm Thực này đã do Vô Minh quấy động. Hết Vô Minh thì ta thấy được khổ đau và nguồn gốc của khổ đau, thấy con đường dẫn tới sự chuyển hóa khổ đau, dẫn tới an lạc. Tự nhiên cái Minh ấy tạo ra một ước muốn, một ý chí hành động do tâm từ bi thúc đẩy, để mang lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho người khác. Cái đó có thể gọi là Đại Nguyện hay Tâm Bồ Đề. Khi học hỏi đạo Bụt chúng ta được nghe về mặt tiêu cực của Mười Hai Nhân Duyên quá nhiều. Còn mặt sáng tươi của Mười Hai Nhân Duyên thì chúng ta chưa được nghe bao nhiêu. Nhờ bó đuốc của Minh chiếu dọi, ta không muốn chạy theo những cái Hành này nữa. Và nhờ có trí tuệ của Tứ Đế và Bát Chánh Đạo ta muốn phát tâm tu học để độ mình và độ đời. Đó gọi là Tâm Bồ Đề, Boddhicitta, là (2) Đại Nguyện. Cái Minh dẫn tới một ước vọng, một ý chí tu học và cứu độ. Nếu Vô Minh duyên Hành, và duyên Thức; thì Minh duyên Đại nguyện, duyên Bồ Đề Tâm và duyên (3) Trí. Trong giáo lý Tứ Y chúng ta học “y Trí bất y Thức” (nương vào Trí đừng nương vào Thức), chúng ta nên dựa vào phần Trí của chúng ta chứ đừng nương vào phần Thức.

Duy Biểu Học nói đến bốn thứ Trí. Thứ nhất là Trí Đại Viên Cảnh, nói theo văn pháp chữ Hán là Đại Viên Cảnh Trí. Thức thứ tám, Tàng thức, khi xóa được Vô Minh thì được gọi là Đại Viên Cảnh Trí. Nghĩa là khi tất cả các hạt giống của Bồ đề, của Giác Ngộ, của Vô ngã, của Từ bi phát triển thì Tàng thức thành ra Trí Đại Viên Cảnh. Trí Đại

Viên Cảnh tìm ở đâu? Tìm ngay trong Tàng thức, vì trong A lại da thức này sẵn có hạt giống của giác ngộ, hạt giống của Trí Đại Viên Cảnh. Bỏ Tàng thức không được. Phải dùng Thức để chuyển hóa. Đại Viên Cảnh Trí tức là trí tuệ như một tấm gương sáng, phản chiếu được sự thật của tam thiên đại thiên thế giới.

Trí thứ hai là Trí Bình Đẳng Tánh. Trí này chuyển hóa từ thức thứ bảy, thức Mạt Na. Thức Mạt Na phân biệt ta và không ta, kỳ thị giữa của tôi và không phải của tôi. Nhưng nếu thực tập thông minh, ta có thể chuyển hóa Thức thứ bảy thành Trí mang tính Bình Đẳng, thấy mình và người khác là một, và mầu nhiệm như nhau. Như khi gặp kẻ thù mà ta lạy xuống một lạy, thì ta sẽ thấy thù cũng cùng một bản tính với bạn, người kia với mình là một và ý niệm hận thù không còn nữa. Đó là Bình Đẳng Tánh Trí, phát hiện ngay trong lòng của thức Mạt Na, cái thức chấp ngã.

Trí thứ ba là Trí Diệu Quan Sát, khả năng quan sát một cách mầu nhiệm, được chuyển hóa từ thức thứ sáu. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, đầy dẫy những tri giác sai lầm. Nó tạo tác biết bao nhiêu khổ đau. Nhờ Trí Đại Viên Cảnh, nhờ sự chuyển hóa, Ý Thức trở thành Trí Diệu Quan Sát, có thể quán sát muôn vật mà không bị kẹt vào tri giác sai lầm.

Cuối cùng, Trí Thành Sở Tác là một Trí tuệ mà gốc là các Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Con mắt có vô minh làm cho ta say đắm, nhìn giả thành thật. Con mắt làm cho ta mù tối. Bây giờ con mắt có minh tạo tác được những thành tựu, mở cửa cho ta thấy pháp Thân mầu nhiệm.

Mở cửa nhìn pháp Thân,
Đời mầu nhiệm khôn cùng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Dòng nước Tâm trong ngần.

Dòng nước Tâm trong ngần là lúc Ý Thức đã trở thành Diệu Quan Sát Trí, và Tàng thức đã trở thành Đại Viên Cảnh Trí.

Vậy nếu Vô Minh duyên Thức thì Minh duyên Trí. Gọi là bốn loại Trí cho dễ hiểu, nhưng tất cả bốn cũng chỉ là một.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×