Bài 21: Bốn duyên và sáu nhân

04/08/2023 1.316 lượt xem

Mười hai nhân duyên

Thuyết Duyên Sinh mà cả Bắc Tông và Nam Tông đều nói tới một cách rất kỹ lưỡng gồm Mười Hai Chi Phần (Anga). Đó là Mười Hai Nhân Duyên, từ Vô minh cho tới Lão tử. Trong Kinh Đại Duyên (Mahanidana) và trong nhiều Kinh khác Bụt cũng nói tới 12 Nhân Duyên. Vì thế con số 12 có tính chất linh thiêng.

Trước hết là Vô Minh, không sáng. Vô Minh tức là sự mù mờ, là bóng tối, không hiểu, hiểu lầm, mê mờ, hồ đồ, rối rắm.

Duyên thứ hai được nói tới là Hành. Hành tức là một động lực trong tâm khi bị quấy động lên bởi Vô Minh. Cái giận, cái thù, cái ghét, cái bực bội của mình, tất cả đều do Vô Minh quấy động. Ta muốn nói cái này, muốn làm cái kia là vì những Hành do Vô Minh quấy động.

Thứ ba là Thức. Thức ở đây phải được hiểu là toàn thể tâm thức của chúng ta: cá nhân và tập thể, ý thức và tàng thức, chủ thể và đối tượng. Mà nói đến Thức là chúng ta đã thấy có Vô Minh và Hành trong ấy. Tại vì Thức được làm bởi Vô Minh và Hành. Vì chứa tính sai lầm, vì chứa mầm khổ đau cho nên gọi là Thức. Nếu không thì nó đã được gọi là Trí. Có Vô Minh gọi là Thức, có Minh ta gọi là Trí.

Thức làm phát hiện ra Danh Sắc. Sắc tức là phần vật chất, sinh lý và Danh là phần tâm lý. Danh Sắc nằm trong Thức. Sắc là đối tượng của Thức mà Danh cũng là đối tượng của Thức. Ví dụ khi chúng ta nhìn bàn tay, thì bàn tay là đối tượng của Thức. Khi chúng ta tiếp xúc với cái giận, cái buồn, với hạnh phúc của chúng ta thì cái giận, cái buồn, vá cái hạnh phúc ấy cũng là đối tượng của Thức.

Lục Nhập tức là sáu căn và sáu trần. Căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Lục Nhập nằm trong Danh Sắc. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo thành sáu thức.

Lục Nhập tạo ra Xúc, một tâm sở Biến Hành mới nói ở trên. Có sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý và có sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp làm đối tượng, thì có xúc. Xúc là tác động giữa căn và trần.

Sự xúc chạm đó tạo ra Thọ, cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay là trung tánh. Trong trường hợp đó là lạc thọ thì chúng ta có thể vướng vào Ái. Ái tức là sự vướng mắc. Thứ chín là Thủ. Thủ tức là bị kẹt vào. Vì vướng mắc cho nên ta bị kẹt vào. Kẹt vào mới sinh chuyện ra, gọi là Hữu. Hữu tạo ra Sinh. Và có Sinh thì thế nào cũng có già chết, tức là Lão-Tử. Đó là mười hai Nhân Duyên.

Trong những Kinh đầu nói về đạo lý Nhân Duyên, có khi Bụt chỉ nói tới 9 Nhân Duyên, có khi nói 10 Nhân Duyên. Trong những lần thuyết pháp sau, Bụt thêm vào thành ra mười hai. Luận Đại Tỳ Ba Sa của Hữu Bộ nói đạo lý Nhân Duyên có thể được trình bày qua một chi cũng được, hai chi cũng được, ba, bốn, năm, sáu, bảy, chín, mười, hoặc mười hai chi cũng được. Nếu một chi thì nói rằng các pháp hữu vi nương nhau mà có. Nếu hai chi thì nói là Nhân và Quả; đạo lý Nhân Duyên cũng gọi là Nhân Quả. Nếu là ba nhân duyên thì kể là Tam Thế: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Nếu là bốn nhân duyên thì kể Vô minh, Hành, Sinh và Lão Tử; tám duyên kia cũng nằm gọn trong bốn duyên này. Nói năm Nhân Duyên thì kể Ái, Thủ, Hữu, Sinh và Lão Tử. Nếu chia ra sáu thì ba lần (Tam Thế) nhân với hai (Nhân và Quả), tức là Nhân và Quả của Quá khứ là hai, thêm Hiện tại vào là bốn, và thêm Tương lai vào thì tất cả là sáu Nhân Duyên.

Chín Nhân Duyên là do chính Bụt nói. Trong Kinh Đại Duyên (Mahanidana), Trường Bộ Kinh thứ 19 ở tạng Pali, Bụt không nhắc tới ba duyên Vô Minh, Hành và Lục Nhập. Sở dĩ Bụt không nói đến Vô Minh và Hành là vì trong Thức đã có bản chất Vô Minh, có vọng tưởng và vọng động là Hành. Nếu không có vọng tưởng và vọng động thì không gọi là Thức, phải gọi là Trí. Không có Lục Nhập là vì trong Xúc, và Thọ đã có Lục Nhập, Danh Sắc cũng hàm chứa Lục Nhập. Vì cái này gồm tất cả các cái kia, phân tích ra cho rõ trong một chi phần đã có tất cả các chi phần. So sánh kinh điển Nam Truyền với kinh điển Bắc Truyền, ta thấy kinh chữ Hán là Tạp A Hàm và kinh Pali là Tương Ưng Bộ đều có một kinh trong đó Bụt chỉ nói về mười Duyên thôi, không kể tới Vô Minh và Hành.

Như vậy, có lúc Bụt nói 9 Duyên, có lúc Bụt nói 10 Duyên và có lúc Bụt nói 12 Duyên. Trong lúc giáo hóa Ngài đã tùy trình độ đại chúng để khai triển dần dần. Bụt đưa ra giáo lý Nhân Duyên đơn sơ lúc ban đầu rồi từ từ khai triển. Vì vậy không phải thuyết 9 Duyên là đúng, hay 10 Duyên, hay 12 Nhân Duyên là đúng, thuyết nào cũng đúng cả. Hai duyên Vô Minh và Hành đã được nói tới từ thời Bụt, không phải do các thầy thêm vào sau. Khi nghiên cứu kinh điển một cách khoa học chúng ta thấy điều đó. Trong Tạp A Hàm và Tương Ưng Bộ, có một kinh Bụt bắt đầu từ Lão Tử, những khổ đau của sự già chết, và Bụt đi ngược trở lại. Bụt nói rằng Danh Sắc duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc, tạo ra bao nhiêu khổ đau, đưa tới Sanh và Lão Tử. Kinh Đại Duyên trong Trường Bộ nói tới chín nhân duyên, tuy dài nhưng không hẳn là một kinh nói sau. Chúng ta có khuynh hướng cho kinh dài được nói sau, nhưng có thể kinh này đã được nói trước. Có những Kinh ngắn nói tới 12 Nhân Duyên trong khi Kinh này chỉ nói 9 Nhân Duyên.

Học về nền văn học Abidharma, tức là Luận Tạng, cũng có nhiều điều lý thú. Những tác phẩm Abhidharma ban đầu đã được các thầy viết dưới hình thức kinh. Vì các thầy còn dè dặt, nói thác lời Bụt cho có uy tín. Giai đoạn thứ hai của Abhidharma có tính cách độc lập, nên gọi đúng là Abhidharma. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phát triển, phân tích tỉ mỉ, dài trường giang đại hải, đọc có thể nhức đầu. Và sau đó mới đến giai đoạn thứ tư là giai đoạn tóm tắt. Những tác phẩm mới nhất của nền văn học Abidharma là những tác phẩm ngắn, gọn và dễ học. Tóm lại, chúng ta có thể nói về Nhân Duyên bằng một chi phần cũng được, bằng hai, ba, bốn, năm, bảy, chín, mười hoặc mười hai chi phần cũng được. Điều đó chỉ chứng tỏ một sự kiện là một Duyên bao gồm tất cả các Duyên khác. Có hai lối diễn giải về mười hai nhân duyên, một là thuận, hai là nghịch. Thuận là đi từ Vô Minh tới Lão Tử, và nghịch là đi tử Lão Tử ngược lại tới Vô Minh. Bụt có khuynh hướng đi theo đường nghịch: người thường hay nhìn thẳng vào bản chất Khổ để tìm ra nguyên nhân Khổ. Tại sao có già và chết? Tại vì có sinh ra. Như vậy cho đến khi ta nắm được vô minh là bản chất của sinh tử. Phần nhiều các vị tổ sư thì lại ưa đi theo lối thuận: từ Vô Minh đi tới Lão Tử. Các nhà phật học có khuynh hướng giải thích tại sao có luân hồi, có sự vận hành của sinh mạng, và do đó ưa sử dụng giáo lý mười hai duyên khởi để chứng minh luân hồi. Nhiều vị luận sư của ta cũng có khuynh hướng ấy, nghĩa là khuynh hướng chứng minh luân hồi bằng giáo lý nhân duyên. Chúng ta nên nhớ rằng giáo lý có mục đích hướng dẫn sự tu tập chuyển hóa mà không phải có mục đích triết học, do đó đừng nên đi vào dấu vết của những người chỉ muốn làm công việc biện hộ và chứng minh cho luân hồi.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×