Bài 06: Quá trình văn tư tu

02/11/2021 3.498 lượt xem

Vào buổi khuya thành đạo, Bụt đạt tới cái thấy hoàn toàn, vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì cái thấy của Ngài là tuệ giác xuất thế gian. Nhưng khi bắt đầu giảng cho các thầy về Tứ Diệu Đế là Bụt bắt đầu phải dùng ý niệm và ngôn từ. Ý niệm về khổ, về tập, về diệt, về đạo. Đọc trong Kinh chúng ta thấy rằng sau khi Bụt thành đạo Ngài đã ở lại bờ sông Ni Liên Thuyền 49 ngày. Trong 49 ngày đó, Ngài sống trong vô ngôn và vô niệm, nhưng đồng thời Ngài cũng bắt đầu thiết lập các ngôn từ và ý niệm để chuẩn bị giảng dạy. Chúng ta thấy bài thuyết pháp đầu tiên về tứ đế và Bát Chánh Đạo đã được xây dựng một cách rất kỹ lưỡng, rất đẹp đẽ và rất thích hợp với năm người đệ tử đầu. Nhưng đó chỉ là cái bình để đựng nước thôi. Nước chánh kiến đã có sẵn rồi. Muốn hiến nước cho người, phải đem tặng trong một cái bình. Và Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo là bình nước tuệ giác đầu tiên mà Bụt đem chia sẻ cùng nhân loại.

Thầy Thái Hư, sống đầu thế kỷ này bên Trung Quốc đã dùng các danh từ giáo lý bản chất và giáo lý ảnh tượng. Giáo lý ảnh tượng là giáo lý được trình bày qua ngôn từ và khái niệm, còn cái giáo lý mà ta sống là giáo lý bản chất. Thầy dùng hình ảnh của một thân cây. Trời nắng, cây chiếu bóng trên mặt đất. Chỉ cho người kia cái bóng cây: đây là bóng cây, nếu anh tìm tới gốc và nhìn lên anh sẽ thấy cây. Giáo lý ảnh tượng như bóng cây, giáo lý bản chất là cây. Cây là tuệ giác chân thật, bóng cây là khái niệm và ngôn từ diễn tả tuệ giác. Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ, tất cả giáo lý trong các kinh điển đều là ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng nhưng nếu không có ngón tay chỉ thì ta không biết phương hướng nhìn về mặt trăng. Khi nương vào giáo lý ảnh tượng để tu tập, một ngày kia ta thấy được giáo lý bản chất.

Duy Biểu Học (thường gọi là Duy Thức Học) nói về các phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi và kiến. Không cần dùng chữ tà kiến, vì kiến đã có nghĩa là cái thấy sai lầm rồi. Kiến nghĩa là một cái thấy phiến diện, thấy một mặt. Đứng về phương diện thế gian mà nói thì có chánh kiến, có tà kiến, chánh kiến đối lập với tà kiến. Nhưng khi đạt trình độ xuất thế gian thì tất cả mọi kiến đều là tà kiến. Ví dụ như vô thường là chánh kiến, thường là tà kiến; ngã là tà kiến, vô ngã là chánh kiến. Nhưng đứng về phương diện xuất thế gian thì thường là tà kiến mà vô thường cũng trở thành tà kiến. Vô thường là thứ thuốc trị bệnh giúp ta khỏi vướng mắc vào cái thấy về thế giới mà ta nghĩ là trường tồn. Nhưng nếu ta lại vướng mắc vào ý niệm vô thường thì vô thường cũng là một cái thấy (kiến) sai lầm. Vô thường là cái ta chứng nghiệm trong đời sống, không phải chỉ là một khái niệm. Học Phật, chúng ta hay bị vướng vào những ý niệm vô thường và vô ngã. Với tuệ giác siêu việt thì ý niệm về thường phải được vượt qua mà ý niệm về vô thường cũng phải được vượt qua. Ý niệm về ngã phải vượt mà ý niệm vô ngã cũng phải vượt. Cũng như trong Kinh Bảo Tích nói: “thà rằng bị kẹt vào ý niệm hữu, còn hơn là bị kẹt vào ý niệm không”. Không là một thứ thuốc để trị bệnh hữu nhưng nếu ta bị bệnh không thì không còn thuốc nào để chữa. Tóm lại, tu tập chánh kiến trước hết là học hỏi và tiếp nhận những ngôn từ và những khái niệm chuyên chở tuệ giác. Rồi nhờ quá trình văn, tư và tu mà tuệ giác đó lớn lên dần dần. Và khi đã đạt được tuệ giác thì không những tất cả các khái niệm về tà kiến mà cả những khái niệm về chánh kiến cũng được thắng vượt. Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mula pariyaya, Trung bộ 1) nói rất rõ về sự vượt thắng ý niệm và tà kiến, đứng trên lập trường xuất thế. Không những ý niệm “ta có tự ngã” là một tà kiến mà cả ý niệm “ta không có tự ngã” cũng là một tà kiến.

Tuệ giác đạt được nhờ chánh kiến càng lớn thì hành động của chúng ta càng sáng. Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh định v.v.., tất cả đều tùy theo chánh kiến. Phẩm chất của bảy phần kia trong Bát Chánh Đạo đều tùy thuộc phẩm chất của chánh kiến. Cho nên Kinh Tạp A Hàm 785 cũng như trong Kinh Thánh Đạo, Majjhima Nikaya 117, đều nói rằng chánh kiến đứng hàng đầu. Việc tu tập chánh kiến lúc đầu giúp ta phân biệt chánh kiến và tà kiến. Cuối cùng nhờ chánh kiến ta biết rằng tất cả các kiến đều là tà kiến. Cho nên chánh kiến tức là vốn liếng tu học, vốn liếng hành trì của chúng ta. Nếu vốn liếng đó phong phú thì tất cả những sự hành trì trong các lãnh vực chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cũng sẽ giàu có. Học hỏi như thế nào để cho những hạt giống chánh kiến trong tâm được đánh thức, được nẩy mầm, thì lúc đó những điều chúng ta học hỏi mới thật sự là chánh kiến.


[4]. Các Kinh căn bản nói về Bát Chánh Đạo đều phân biệt hai mặt của Bát Chánh Đạo. Hai mặt ấy là hữu lậu và vô lậu. Xin tham khảo Kinh Thánh đạo (Trung A Hàm 189), Kinh Tạp A Hàm 785 và Kinh Maha cattarisaka (Trung Bộ 117). Kinh Tạp A Hàm 785 rõ nhất.

Theo gốc chữ, lậu tức là cái sự rỉ chảy, sự trôi lăn. Vô lậu tức là chấm dứt sự rỉ chảy, sự trôi lăn. Lậu có thể dịch là sự đi vòng, asrava. Lậu do đó có nghĩa là phiền não, thành ra asrava là klesa (phiền não). Khi nào mà chúng ta diệt hết tất cả phiền não thì gọi là lậu tận, tức là hoàn toàn giải thoát, vượt ra khỏi biên giới của khổ đau. Xuất thế gian thì mới gọi là lậu tận. Trong sáu phép thần thông thì lậu tận thông là cao nhất. Lậu tận thông tức là gột sạch hết tất cả phiền não, còn các thần thông khác như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông thì không quan trọng bằng.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×