Bài 06: Quá trình văn tư tu

02/11/2021 3.571 lượt xem

Quá trình văn tư tu

Cái nhìn về đạo chân chính bắt đầu từ văn, tư và tu, gọi là tam học. Vặn là học hỏi. Những đệ tử của Bụt gọi là thanh văn (sravaka), là người nghe giáo lý để tu học. Khi nghe giảng dạy về giáo lý, khi đọc Kinh, khi pháp đàm, ta thực tập văn học. Văn học tức là học nghe. Học nghe, ta phải có thái độ cởi mở, phải thao thức muốn hiểu, muốn thực hành, như thế mới gọi là văn học. Còn nếu nghe để đàm luận, nghe chỉ để phê phán và chỉ trích, nghe để chứa chấp kiến thức rồi khoe khoang, đó chưa phải là văn học.

Tư là suy gẫm, tư duy, quán chiếu những điều mình nghe. Ta nghe một điều gì, dù điều đó từ một vị đạo sư nổi tiếng nói ra ta cũng phải tư, tức là phải thẩm xét giá trị ứng dụng của những điều đó. Ta không mù quáng nghe theo vô điều kiện. Sau khi nghe rồi, phải tư. Trong khi đang nghe, không tư, nghe là nghe mà thôi. Nghe xong rồi lúc đó mới quán chiếu, mới suy tư (reflecting). Tư là đem kinh nghiệm, đem trí tuệ, đem khổ đau của mình ra để mà xét nghiệm. Xem thử những điều mình nghe có thể trả lời được những nỗi đau khổ, những thắc mắc, những thao thức của đời mình hay không, như thế gọi là tư học.

Nghe giống như gieo hạt giống vào đất. Thực tập là tưới tẩm cho hạt giống có thể nẩy mầm. Thực tập là tu, giai đoạn thứ ba gọi là tu học. Nếu không đem ra thực tập thì việc nghe không có lợi ích nào cả. Trong quá trình văn, tư, tu về đạo ta sẽ thấy được bản chất của đạo là làm bằng khổ, ta thấy khổ ở trong đạo. đạo Bụt phát sinh là vì cuộc đời khổ đau, cho nên cuộc đời khổ đau là chất liệu làm ra đạo. Sự tỉnh thức, sự thương yêu phát sinh từ khổ đau. đạo và khổ tương tức. Trong quá trình văn, tư và tu chúng ta thấy khổ và tập ở trong đạo. Chúng ta biết rằng tập, những nguyên do làm ra khổ, nếu chuyển hóa được, thì khổ sẽ vắng mặt. Ba yếu tố khổ, tập và diệt có thể nhìn thấy trong đạo. Tâm Kinh nói: “Không đạo”, có nghĩa là đạo không có ở ngoài khổ, tập và diệt. Không có cái này thì không có cái kia. Năm chữ “không khổ, tập, diệt, đạo” thuộc về chân đế, đó là sự thật vô lậu. Ngay trong quá trình tiếp xúc với mặt tục đế, ta đã thấy được bản chất của đạo, và chuyển hóa được tập. Nếu thấy cho rõ thì ta ngừng lại ngay, tự nhiên đi tới diệt. Chuyển hóa tập, thành tựu diệt sẽ làm vơi khổ, khiến cho cái khổ biến đi.

Nhờ quá trình văn, tư và tu mà lời nói và hành động của ta mỗi lúc mỗi tương ứng. Ví dụ một người giảng giải rất hay về năm giới, nhưng vẫn chưa thực tập năm giới một cách vững chãi. Nhờ quá trình văn, tư và tu nên sự thực tập năm giới càng ngày càng vững; và lời nói của ta đi đôi với hành động, ngôn hành tương ưng. Nói theo Vương Dương Minh là tri hành hợp nhất.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×