Bài 06: Quá trình văn tư tu

02/11/2021 3.585 lượt xem

Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Đó là những nỗi ước ao ta muốn thực hiện cho đời ta. Mong muốn làm giám đốc một hãng buôn lớn, hay mong muốn đậu bằng tiến sĩ, những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Mong muốn là một loại thực phẩm gọi là tư niệm thực. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, tu tập để chuyển hóa, để thành một bậc giác ngộ độ thoát cho đời v.v.. thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc. Về tư niệm thực, Bụt kể chuyện một người bị hai lực sĩ kéo xềnh xệch trên mặt đất để đi tới một hầm lửa. Hai lực sĩ khiêng người kia ném xuống hầm lửa đang bốc cháy. Bụt nói rằng khi ta bị những tư niệm thực bất thiện chiếm cứ, bị danh, lợi, tài và sắc lôi cuốn thì cũng như ta bị những chàng lực sĩ kéo đi liệng xuống hầm lửa. Do đó người tu học phải có chánh kiến, phải nhận diện được tư niệm thực trong ta là loại nào.

Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của ta và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh ta. Vì hành động tự nhiều kiếp xưa nên bây giờ ta có chánh báo này, với y báo này. Chánh báo và y báo đều là sự biểu hiện của tâm thức. Khi làm công việc nhận thức, tâm cũng giống như cơ thể đón nhận các món ăn. Nếu trong quá khứ tâm thức ta đã tiếp nhận những thức ăn độc hại, thì nay tâm thức ta biểu hiện ra y báo và chánh báo không lành. Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều như muôn sông chảy về biển tâm thức. Và những vô minh, hận thù và buồn khổ của ta đều trôi về biển cả của tâm thức ta. Vì vậy ta phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức của ta những món ăn nào. Chúng ta cho tâm thức ăn Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa hay là chúng ta cho nó ăn tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến? Chúng ta cho nó ăn từ, bi, hỷ, xả hay là chúng ta cho nó ăn trạo cử, hôn trầm, giãi đãi, phóng dật?

Về thức thực, Bụt đã dùng hình ảnh một người tử tù và ông vua. Buổi sáng vua ra lệnh lấy 300 lưỡi dao cắm vào thân thể của một tử tội. Tới buổi chiều vua hỏi: “Người tù đó bây giờ sao?” – “Tâu bệ Hạ, nó còn sống.” – “Vậy thì đem nó ra, lấy 300 lưỡi dao đâm qua người nó một lần” nữa.” Và buổi tối, vua hỏi: “Kẻ đó bây giờ ra sao?” – “Còn sống.” – “Hãy lấy 300 mũi dao đâm qua thân thể nó một lần nữa!” Bụt dùng ví dụ đó để nói chúng ta cũng đang hành hạ tâm thức của ta y như thế. Mỗi ngày chúng ta đâm 300 mũi dao của độc tố vào trong tâm thức ta. Những mũi dao của tham lam, giận dữ, ganh tỵ, hờn giận, thù oán, vô minh.
Bốn ví dụ kể trên được chép trong Kinh Tử Nhục. Tử Nhục là thịt của đứa con. Bốn ví dụ nghe rất ghê sợ, có tác dụng răn bảo chúng ta phải tỉnh táo giữ gìn chánh kiến.

Thầy Xá Lợi Phất nói: “Người có chánh kiến là người hiểu được bản chất của bốn loại thực phẩm như trên”. Nếu anh chưa biết được cái bản chất của bốn loại thực phẩm là anh chưa có chánh kiến. Sau khi thầy Xá Lợi Phất nói về bốn loại thực phẩm, các thầy khác lại hỏi tiếp: “Có thể nói về chánh kiến dưới một phương diện khác nữa hay không?” Thầy Xá Lợi Phất trả lời: “Có, chánh kiến là cái thấy của chúng ta về bốn sự thật, gọi là tứ đế. Phải thấy được khổ, phải thấy được tập, phải thấy được diệt, phải thấy được đạo.” Các thầy hỏi thêm, thì thầy Xá Lợi Phất nói tiếp về chánh kiến qua mười hai nhân duyên. Các thầy lại hỏi thêm nữa, và thầy Xá Lợi Phất nói rằng chánh kiến có thể nhìn dưới khía cạnh hữu lậu và vô lậu. Phần hữu lậu là thế gian và phần vô lậu là xuất thế gian. Phần thứ nhất là hướng thượng, phần thứ hai là lậu tận. Khi nào diệt hết phiền não thì gọi là lậu tận, tức là vượt ra khỏi biên giới của khổ đau. Những điều này cũng được nói tới trong nhiều Kinh khác [4].

Chúng ta phải bắt đầu bằng phần thế gian. Chánh kiến (right view) là cái đi ngược lại với tà kiến (wrong view). Tà kiến là nói rằng không có nhân quả, không có thiện ác, không có cha mẹ, không có tình nghĩa. Chánh kiến là biết có nhân có quả, có phân biệt thiện ác, có đời trước đời này, có cha có mẹ, có tình có nghĩa, v.v.. Chúng ta phải bắt đầu từ phần đạo đức thế gian, theo lời thầy Xá Lợi Phất dạy. Chánh kiến gồm khả năng nhận diện những thiện căn và những ác căn ở trong ta, khả năng thấy được bản chất của Tứ Diệu Đế, khả năng có thể thấy được bốn loại thực phẩm, và khả năng có thể thấy được mười hai duyên khởi.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×