Bài 06: Quá trình văn tư tu

02/11/2021 3.592 lượt xem

Đạo vượt ngoài ngôn ngữ

Đạo bắt đầu bằng văn, tức là nghe, đọc và thâu nhận một số kiến thức. Rồi nhờ quán chiếu, suy gẫm và áp dụng trong đời sống hàng ngày nên những kiến thức và ý niệm ban đầu biến dần thành tuệ giác thực sự. Vì vậy chúng ta tránh nói tới đạo như là một chủ thuyết. Nhìn vào một con người có văn, có tư và có tu thì ta thấy sự thể hiện của đạo. Ta thấy người đó sẽ đạt tới diệt, buông bỏ được tập, và chuyển hóa được khổ. Quá trình tu học lúc đầu dựa vào ngôn ngữ, dựa vào ý niệm. Nhưng sau khi thực chứng, chúng ta sẽ không còn

kẹt vào ngôn từ và ý niệm, sẽ tiếp xúc trực tiếp với bản môn. đạo siêu việt ngữ ngôn, như trong đạo Đức Kinh có câu: đạo khả đạo, phi thường đạo, (đạo mà có thể đàm luận thì chưa phải đạo chân thường). Có những người tới hỏi đạo cốt để chất vấn và cãi lý về đạo, ta chỉ nên mỉm cười. Lý luận về đạo mất thì giờ, không có lợi ích gì. Ngồi uống trà với nhau còn có đạo vị hơn.

Bước đầu học đạo cần phải có những khái niệm về vô thườngvô ngã, về khổ, tập và diệt. Ban đầu ta cũng có thể dùng lý luận để dẹp trừ những tà thuyết. Nhưng sau đó ngôn từ và lý luận cũng được vượt luôn và lúc đó người tu học sử dụng chính sự sống của mình. Ta sống đời sống hàng ngày cách nào để cho người khác thấy chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định và chánh kiến trở nên có mặt. Kinh thường kể những câu chuyện về những nhà triết học cứ muốn đàm luận và cãi lý với Bụt về những đề tài như vô thường, vô ngã, và niết bàn. Mỗi lần Bụt thấy một nhà triết học tới ngồi sẵn sàng để đấu lý như vậy thì Ngài chỉ mời ngồi uống trà. Hỏi thì Ngài không nói. Chúng ta nhớ lại câu chuyện một nhà triết học tới hỏi Bụt về vấn đề có ngã hay không có ngã. Bụt ngồi im không nói gì. Sau đó ông ta đi mất. Thầy A Nan thắc mắc, thì Bụt bảo: “Ông ấy đi tìm một học thuyết để chống đối hoặc ủng hộ, chứ không đi tìm pháp môn tu học. Nói không có ngã, ông sẽ bị kẹt, mà nói có ngã ông cũng bị kẹt. Không nói là đỡ cho ông ta hơn.”

Đạo vượt lên trên ngữ ngôn, ý niệm và lý luận. Nói như vậy không có nghĩa là ngữ ngôn và khái niệm không có ích lợi. Khi người ta thao thức học hỏi để tu tập thì ngữ ngôn và khái niệm là những bảng chỉ đường có thể sử dụng được. Cũng như bản đồ của một thành phố tuy không phải là thành phố nhưng có thể giúp ta đi trong phố xá mà không lạc đường. Khi đạo đã là sự thật trong đời sống hàng ngày rồi thì sự tu học trở thành rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng, không nặng về hình thức. đạo có tính cách vô hành. Vô hành là không làm gì cả. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ thứ ba, có câu: ngã pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, (cái pháp của ta là hành cái hạnh vô hành, tu cái tu vô tu và chứng cái chứng vô chứng). Ý nghĩa câu đó là đạo vượt thoát các hình thức và ý niệm.

Đạo đế cũng có phần hữu lậu và phần vô lậu. Phần hữu lậu là thế gian (lokya), là phần hướng thượng, dần dần bớt khổ thêm vui. Phần vô lậu là xuất thế gian (lokottara) là phần vượt thoát hoàn toàn biên giới của ngôn từ, ý niệm, khổ và vui.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×